top of page
Search

An toàn trong thiên tai: Bài học từ thực tiễn tại các tỉnh Tây Bắc sau siêu bão Yagi

  • geovnu8386
  • 22 hours ago
  • 4 min read

Tháng 9/2024, siêu bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là khu vực Tây Bắc. Chỉ riêng hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã ghi nhận tổng cộng 205 người chết và mất tích, hàng chục người khác bị thương do lũ quét và sạt lở đất. Gần 30.000 ngôi nhà bị ngập lụt hoặc bị đất đá tràn vào, gây thiệt hại kinh tế gần 13.000 tỷ đồng – con số được cho là lớn nhất trong lịch sử thiên tai khu vực Tây Bắc. Tại Lào Cai, hoàn lưu bão đã khiến 151 người chết và mất tích, 50 người bị thương; ảnh hưởng đến hơn 6.700 ngôi nhà, 170 trường học và trạm y tế; gây ngập úng và cuốn trôi 4.000 ha lúa và hoa màu với tổng thiệt hại ước gần 6.700 tỷ đồng. Ở Yên Bái, 54 người thiệt mạng, hơn 27.000 ngôi nhà bị tàn phá – trong đó 326 nhà sập hoàn toàn, khoảng 1.000 nhà hư hỏng nặng và hơn 1.100 hộ phải di dời khẩn cấp, thiệt hại kinh tế hơn 5.700 tỷ đồng. Các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, chất lượng môi trường suy giảm, kết hợp với yếu tố địa hình, địa chất đặc thù và lượng mưa lớn dồn dập sau bão, làm kích hoạt các điểm sạt lở tiềm tàng. Dù không thể ngăn chặn lũ quét hay sạt lở hoàn toàn, song việc nâng cao ý thức, chủ động và sáng tạo trong ứng phó của người dân được xem là giải pháp then chốt để giảm thiểu thiệt hại.

Trượt lở đất sau cơn bão Yagi (2024)
Trượt lở đất sau cơn bão Yagi (2024)

Trong những ngày tang thương, câu chuyện sinh tử của người dân các bản làng vùng cao hiện lên rõ nét. Rạng sáng 10/9/2024, thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bất ngờ hứng chịu lũ quét kinh hoàng khiến 67 người chết và mất tích, gần 40 ngôi nhà bị xóa sổ. Người dân như chị Hoàng Thị Chớ và trưởng thôn Hoàng Văn Diệp vẫn chưa hết bàng hoàng vì chỉ trong tích tắc, tiếng nước ào ào đã cuốn đi cả thôn làng bình yên. Cùng ngày, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà cũng xảy ra sạt lở khiến 18 người chết và mất tích, 8 ngôi nhà bị vùi lấp hoàn toàn. Những người may mắn sống sót như anh Lý Seo Khanh hay Bí thư chi bộ Lù Seo Nương đều chia sẻ về khoảnh khắc ám ảnh khi đất đá sập xuống như bom nổ. Trong thảm cảnh đó, những người trưởng bản, trưởng thôn giữ vai trò sống còn trong việc tổ chức ứng phó tại chỗ. Trưởng thôn Kho Vàng – Ma Seo Chứ – đã chủ động đưa toàn bộ 115 nhân khẩu lên đồi cao sau khi phát hiện vết nứt trên đỉnh núi, dù lúc đó mất sóng, mất điện và không thể liên lạc với cấp trên. Tất cả các hộ đã an toàn, bởi sự quyết đoán này. Còn ở bản Huổi Nặm, xã Nậm Păm, huyện Mường La (Sơn La), trưởng bản Cà Văn Biên đã cầm chiếc loa tay chạy khắp bản thông báo kịp thời, giúp cả bản chạy thoát khỏi lũ quét lúc rạng sáng 3/8/2017, chỉ có một người bị thương. Những tấm gương sáng như Ma Seo Chứ, Cà Văn Biên… cho thấy vai trò không thể thay thế của cộng đồng địa phương – những người am hiểu địa hình, có kinh nghiệm bản địa, hành động nhanh và sát dân – trong bảo vệ tính mạng người dân trước thiên tai.

Các chuyên gia nhận định rằng để sống an toàn với thiên tai, ngoài việc nâng cao năng lực dự báo và hạ tầng phòng chống thiên tai, thì điều cốt lõi vẫn là sự chủ động của mỗi cộng đồng và từng cá nhân. Những dấu hiệu truyền thống được người dân bản địa tích lũy như: năm nào ong làm tổ cao thì mưa lũ lớn, hay các loại quả rừng ra trái nhiều là năm mưa nhiều… vẫn rất hữu ích trong dự báo thiên tai cấp bản làng. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng bất thường, sự phối hợp giữa kinh nghiệm bản địa với khoa học công nghệ là cần thiết. Việc ứng dụng các nền tảng cảnh báo hiện đại – như hệ thống cảnh báo sớm qua điện thoại, app dự báo thiên tai – có thể lan truyền rất nhanh. Một bản tin cảnh báo nếu có 300 người theo dõi thì có thể lan truyền đến hàng chục ngàn người khác trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, công tác quan trắc, giám sát địa chất, lập bản đồ nguy cơ sạt lở cũng cần được đầu tư đồng bộ hơn. Bài học rút ra từ những vùng bị nạn vừa qua cũng khẳng định phương châm “4 tại chỗ” vẫn giữ giá trị cốt lõi, đặc biệt trong bối cảnh thông tin liên lạc có thể bị cắt đứt khi thiên tai xảy ra. Trưởng thôn, trưởng bản không chỉ là người đứng đầu mà còn là “người chỉ huy”, “người truyền tin”, “người cứu hộ” đầu tiên. Những bài học về sự quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo trong ứng phó như ở Kho Vàng, Nậm Tông hay Nậm Păm cần được ghi nhận, tổng kết và nhân rộng, song hành cùng việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản lý thiên tai từ cấp trung ương đến địa phương.

 
 
 

Comments


Chúng tôi sử dụng:

- Công nghệ học sâu và ảnh viễn thám độ phân giải cao để chiết xuất các dấu vết trượt lở - dòng bùn đá trong quá khứ, làm cơ sở dữ liệu để phân tích đặc tính vết tai biến;

- Công nghệ học máy và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để phân tích, dự đoán, cảnh báo nguy cơ tai biến trượt lở đất và dòng bùn đá theo thời gian 5-7 ngày, và rủi ro tác động tới hệ sinh thái và sinh kế người dân.

Điều này giúp chúng tôi xác định nguy cơ, đưa ra biện pháp phòng tránh và hỗ trợ cộng đồng hiệu quả nhất.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN
Khoa Địa lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN
Hội Đệ tứ - Địa mạo Việt Nam
  • Facebook
  • Link
z6381666266902_089432f1c8e6e0f88da2520f01624e14.jpg

Đơn vị thực hiện:

- Bộ môn Địa mạo, Địa lý - Môi trường biển,

Khoa Địa lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

​​

​- Hội Đệ tứ - Địa mạo, Liên hiệp hội Việt Nam

© 2035 by Trượt lở - dòng bùn đá lưu vực sông Đà. Powered and secured by Wix 

bottom of page